Cà muối xổi: Món ăn dân dã của người Hà Nội

camuoixoi

Dù bữa cơm của người Hà Nội bây giờ đã có thêm những món ăn lạ hấp dẫn thì cũng không thể thiếu được bát cà muối xổi, món ăn dân dã, bình dị từ bao đời.

Cà muối xổi không khác gì một thứ gia vị bên cạnh những món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày. Nước rau muống luộc, canh cua nấu rau rút, canh rau đay… thì không thể thiếu cà muối được.

Làng Láng ngoài rau húng Láng còn rất nổi tiếng vì trồng được giống cà rất ngon. Có hai loại cà thường dùng để muối chua là cà pháo và cà dĩa. Cà pháo trái nhỏ, kích cỡ trung bình bằng đầu ngón tay cái. Còn cà dĩa người Bắc hay gọi là cá bát, cà dừa, có cỡ lớn từ cái chén ăn cơm hoặc hơn nữa. Cà dùng để muối là cà còn xanh, vỏ có sắc trắng. Nếu chưa có kinh nghiệm lựa cà thì phải cắt ngang làm hai để quan sát phần hột. Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn; cà già thì ruột cà đặc hột, muối xong rất hăng và dai. Cà dùng để muối là loại khi cắt ra thấy phần hột trong ruột chỉ vừa tượng đủ hột nhưng có sắc trắng chứ không vàng.

Cà muối bình thường, dân dã vậy thôi nhưng chỉ một hôm quên có trong mâm cơm là cả nhà như thấy thiếu vắng, húp bát canh sao thấy nhạt nhẽo quá. Nhất là những ngày hè, chỉ cần bát canh rau muống luộc dầm sấu chua chua với vài quả cà là bữa cơm trở nên ngon miệng hơn nhiều.

Mỗi vùng miền có một kiểu muối cà riêng Trước đây, người miền Bắc thường muối nén với muối thật mặn để có thể dùng dự trữ từ tháng này qua tháng khác. Ngày nay, người miền Bắc ưa chuộng muối cà xổi hơn. Như vậy, cà lúc nào cũng mới mà không bị chua, ăn hết lại muối tiếp, chỉ chừng bữa sau là lại có bát cà mới để dùng rồi. Khi muối cà thường cho một chút muối pha lẫn nước ấm, vài ba lát giềng và mấy khoanh mía cho dậy mùi và thêm ngọt rồi nén lại bằng viên đá nhỏ để cà giòn hơn. Bây giờ ngoài chợ các bà các cô vẫn muối sẵn cà để bán, thế nên nếu ngại muối thì chỉ cần chạy ù ra chợ là có ngay nhưng những bà nội trợ khéo léo vẫn thích tự muối ở nhà hơn, vừa ngon mà hợp vệ sinh.

Trái cà sau khi muối đúng ngày sẽ phồng căng,vỏ ngoài thấy trắng trong chứ không còn trắng đục và cắn thấy dòn xốp. Có người còn rất khoái món cà xanh còn non dầm đường, ớt và giấm bởi vị giòn tan, đậm đà nhưng hơi hăng của nó.

Món ăn dân dã này chính là những món ngon không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Chẳng thế mà món cà dung dị kia trở thành nỗi nhớ và đi vào trong câu ca dao xưa “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Via Lenduong

Recipes4Viet- Complete resource for recipes and cooking tips, coupons, and good deals

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *