Bí quyết làm mứt cam thơm ngon

Món mứt cam cùng với bơ và bánh mì có thể cho bạn một bữa ăn sáng gọn nhẹ, ngon lành và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bạn có thể tự tay làm món mứt cam thơm ngon theo chỉ dẫn dưới đây.

Cam là loại trái cây giàu vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch trong những tháng mùa đông lạnh giá, đồng thời còn có khả năng kháng viêm, ngăn ngừa chứng cảm lạnh…

Thông thường, chúng ta chỉ sử dụng phần múi và nước cam rồi vứt bỏ phần vỏ. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của cam lại nằm chủ yếu ở lớp vỏ và phần cùi màu trắng.

Để tận dụng lớp vỏ cam giàu dưỡng chất này, bạn có thể chế biến món mứt cam thơm ngon và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sau đây là những bí quyết giúp bạn thực hiện thành công món mứt này.

1. Chuẩn bị dụng cụ

Những dụng cụ cần thiết cho món mứt cam bao gồm: một chiếc nồi lớn dùng để nấu mứt có độ sâu và rộng, 1 cái phễu, 1 cái vá lớn, 1 miếng vải mùng, dây buộc, 3 hoặc 4 dĩa nhỏ, 1 cái muỗng gỗ, 5 chiếc lọ đựng mứt dung tích 500ml có nắp đậy kín, sáp ong.

2. Nguyên liệu

Nguyên liệu cho món mứt cam rất đơn giản, chỉ cần khoảng 1kg cam tươi (loại cam vàng), 2 quả chanh và 1,5kg đường, bạn sẽ làm được khoảng 2,5kg mứt cam thành phẩm.

3. Cách thực hiện

Qui trình chế biến mứt cam được thực hiên theo các bước sau:

– Cắt đôi quả cam và chanh. Vắt lấy phần nước cam và rót vào xoong, lấy luôn cả hạt cam, phần lõi cam vừa vắt nước.

– Cho tất cả hạt và phần lõi cam vào một miếng vải hình vuông, dùng dây buộc chặt, chú ý độ dài của dây buộc để bạn có thể rút đầu dây vào tay cầm của nồi. Điều này giúp bạn dễ rút gói hạt cam ra ngoài sau khi nấu.

– Dùng dao thái lát phần vỏ cam, độ dày, mỏng tùy thuộc vào ý thích của bạn. Sau khi thái xong, cho hết vào nồi nước cam và rót thêm 2,8 lít nước. Cho gói hạt và lõi cam vào nồi và buộc chặt dây vào tay cầm của nồi.

– Đun sôi hỗn hợp nước và vỏ cam, sau đó giảm lửa và để hỗn hợp này sôi riu riu trong khoảng 2 giờ cho đến khi vỏ cam mềm và trong. Lúc này, bạn hãy cho đường vào, dùng muỗng gỗ khuấy đều nồi mứt và để cho chúng sôi chậm trở lại. Khi đường đã tan, điều chỉnh lửa để hỗn hợp mứt sôi thật nhanh cho đến khi chúng bắt đầu cô đặc lại (khoảng từ 10 đến 20 phút hoặc khi nhiệt độ của nồi mứt lên tới 1050C).

– Để kiểm tra món mứt, bạn hãy lấy một chiếc dĩa nhỏ (để lạnh sẵn trong tủ đông), múc một ít mứt cho lên dĩa và để chúng trở lại vào tủ đông. Sau đó, dùng ngón tay chạm nhẹ vào chỗ mứt lạnh. Nếu chúng đặc và bắt đầu có nếp nhăn, là mứt đã cô đặc hoàn toàn. Ngược lại, nếu mứt chưa đông, bạn cần phải nấu tiếp và tiếp tục kiểm tra lại cho đến khi đạt yêu cầu.

– Sau khi đã hoàn tất công đoạn nấu mứt, nên để nồi mứt nguội trong khoảng 20 phút rồi dùng phễu để rót mứt vào những chiếc lọ đựng đã được tiệt trùng. Cho thêm một lớp sáp ong lên trên lớp mứt, đậy kín nắp và để chúng ở những nơi thoáng, mát, tránh ánh nắng.

4. Một số bí quyết nhỏ

– Chiếc nồi lớn, có độ sâu và rộng sẽ giúp nước bốc hơi nhanh hơn và tránh cho mứt không bị tràn ra ngoài khi chúng đang sôi. Hỗn hợp mứt không nên nhiều hơn ½ thành nồi. Chất pectin có công dụng cô đặc mứt nằm trong phần hạt và cùi của quả cam, do đó, bạn không nên bỏ hạt mà cần đun sôi chúng cùng với mứt.

– Loại đường hạt to sẽ phù hợp với món mứt này vì những tinh thể đường phân hủy chậm hơn và không lắng xuống đáy xoong. Nhờ đó, đường hòa tan đều hơn trong quá trình khuấy và hớt bọt, đồng thời giúp hạn chế việc mứt bị cháy.

– Sau khi đã nấu xong, cần để mứt nguội trong khoảng 20 phút rồi mới cho vào lọ. Bí quyết này giúp món mứt của bạn dậy mùi thơm nhiều hơn. Ngoài ra, nếu muốn bảo quản mứt được lâu, cần phải tiệt trùng lọ đựng mứt.

Cách tiệt trùng như sau: rửa lọ đựng bằng nước xà bông ấm, sau đó tiếp tục rửa lại bằng nước sạch và lau khô, tiếp tục cho lọ vào nồi nước đang sôi trong vòng 10 phút rồi vớt ra và để khô hoàn toàn.

Theo PNO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *